Những nguồn vốn khủng đổ vào du lịch Việt Nam

Ngoài những địa danh nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang... nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nhắm đến điểm đến tiềm năng, ít được khai thác.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số khách du lịch đến Việt Nam đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch nội địa đạt 62,1 triệu lượt.


Tổng cục Du lịch đang kỳ vọng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này trong 3 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu năm 2018 là đón, phục vụ khoảng 15,7 triệu lượt khách quốc tế, 80-82 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.


Du lịch không chỉ góp phần tăng trưởng dịch vụ, đóng góp cho GDP chung mà còn thúc đẩy các lĩnh vực khác khởi sắc theo. Ngành công nghiệp không khói đang trở thành miếng bánh màu mỡ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Nhiều doanh nghiệp ngoại đổ vốn vào ngành khách sạn


Nhờ lượng khách du lịch không ngừng tăng cao, ngành dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng ngày càng được đầu tư mạnh. Đây cũng là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất, đóng góp phần lớn nguồn thu cho ngành du lịch.

Nhà đầu tư đổ vốn vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Nhà đầu tư đổ vốn vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo kết quả khảo sát của Grant Thornton Việt Nam, năm 2017, ngành khách sạn Việt Nam đã thu về 510.900 tỷ đồng, tăng 27,78% so với năm 2016. Năm 2017 thị trường có 79 khách sạn cao cấp (3-5 sao) mới được đưa vào hoạt động, trong đó có 10 khách sạn 5 sao với số phòng thêm mới là 101.400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2017 tăng 10% so với năm ngoái.


Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành khách sạn - nghỉ dưỡng là những tên tuổi lớn trong nước như Vingroup, Sun Group... với nhiều dự án nghỉ dưỡng hạng sang theo tiêu chuẩn quốc tế nằm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...


Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng nhắm vào ngành khách sạn tại Việt Nam. Số lượng dự án mang thương hiệu nước ngoài và sự điều hành của nhà điều hành nước ngoài tăng từ 30 vào năm 2010 lên đến 79 dự án vào cuối năm 2017. Savills ước tính sẽ có hơn 30.000 phòng khách sạn sẽ được đưa vào thị trường đến năm 2019.


Sự tăng trưởng này càng rõ rệt trong đầu năm 2018 khi thị trường liên tục công bố các thương hiệu điều hành mới như Mandarin Oriental (TP HCM), Movenpick (TP HCM), Best Western Premier (Quảng Bình)...


Những miền đất hứa chờ được khai phá


Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng, đã phát triển lâu như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc..., giới đầu tư đang săn tìm những miền đất mới.


Cách đây 5 năm, Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn như một "hòn ngọc" bị bỏ quên bên lề di sản Hạ Long. Dù những dấu tích của một thương cảng sầm uất cách đây gần nghìn năm vẫn còn được lưu giữ, hàng chục năm nay Vân Đồn vẫn chỉ đơn giản là một làng chài không nhiều người biết đến.


Tuy nhiên, hai năm gần đây, Vân Đồn mang diện mạo mới, là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư với nhiều tiềm năng trở thành "thiên đường" du lịch phía Bắc. Không chỉ là những hòn đảo đẹp như tranh hay bãi tắm cát trắng mịn màng, nơi đây còn được mệnh danh là "thủ phủ của những dự án nghìn tỷ".


Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ninh, tới cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư vào Vân Đồn khoảng 56.700 tỷ đồng với nhiều dự án lớn. Nhiều khu phức hợp giải trí, nghỉ dưỡng mọc lên giúp Vân Đồn thay đổi diện mạo và tăng trưởng du lịch, thu hút nhà đầu tư.


Ngoài Vân Đồn, Quảng Nam cũng đang nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư nhờ tiềm năng tăng trưởng du lịch. Với loạt danh thắng mang tầm cỡ thế giới như Đô thị cổ Hội An, Di tích thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lào Chàm... và vị trí kề cận trung tâm kinh tế, hành chính là Đà Nẵng, Quảng Nam được xem là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất khu vực miền Trung.

Quảng Nam thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Quỳnh Trần.

Quảng Nam thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bảy tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam ước đạt 4,43 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn khách du lịch dồi dào là yếu tố giúp Quảng Nam thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhiều ông lớn ngành khách sạn, nghỉ dưỡng.


Theo thống kê, tỉnh hiện có khoảng 45 dự án trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD và chiếm tới 81% tổng vốn đầu tư FDI. Điển hình là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nam Hội An (Singapore) với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD hay Vingroup cũng mới vận hành dự án Vinpearl Nam Hội An - điểm đến mới của khách du lịch.


Mới đây, Suncity Group - Tập đoàn nghỉ dưỡng lớn nhất Macau cũng công bố xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana với quy mô 4 tỷ USD tại Hội An. Chủ đầu tư kỳ vọng Hoiana sẽ là một trong những dự án nghỉ dưỡng phức hợp có casino lớn nhất được cấp phép tại Việt Nam.

Phối cảnh khu phức hợp HOIANA - Nam Hội An với quy mô 4 tỷ USD.

Phối cảnh khu phức hợp Hoiana - Nam Hội An với quy mô 4 tỷ USD.

Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng qua 7 giai đoạn. Giai đoạn một được phát triển trên khu đất rộng 163 héc ta bao gồm các hạng mục chính là khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino với khoảng 140 bàn chơi bài, khu khách sạn 5 sao với hơn 550 phòng nghỉ và biệt thự, condotel với 236 phòng và sân golf 18 lỗ.


Các tiện ích đi kèm gồm có sân golf, khu spa cao cấp, khu vực tổ chức sự kiện, các dịch vụ thể thao dưới nước và lặn biển, beach club, khu phố mua sắm và một chuỗi nhà hàng, quán bar. Với nhiều ưu điểm trong thiết kế, tích hợp casino, chủ đầu tư kỳ vọng dự án sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch Quảng Nam cũng như cả nước.


Các chuyên gia đánh giá, việc các ông lớn đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ. Với tiến độ này, du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác và đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.


Tâm Anh



Đầu tư và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững là nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF). Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.


Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.


Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.


Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net

Nhận xét