Mới đây, ông Ming Maa - Chủ tịch Grab - chia sẻ với tờ Finance Asia ý định của Grab về việc gọi thêm một đợt vốn mới nhằm tăng quy mô và tạo vị thế thống lĩnh tại thị trường Đông Nam Á.
Sau khi buộc hãng xe công nghệ Uber phải rút khỏi thị trường Đông Nam Á, công ty bắt đầu gọi vốn ở vòng H (series H) vào hồi tháng 4. Chỉ sau 4 tháng, Grab nhận 2 tỷ USD từ các công ty tài chính.
"Grab vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi muốn huy động số tiền 3 tỷ USD trong năm nay”, ông Maa tuyên bố.
Chủ tịch Grab, ông Ming Maa, tiết lộ rằng công ty muốn huy động 3 tỷ USD trong năm nay. |
Startup 6 tuổi được định giá 6 tỷ USD vào hồi tháng 3, 10 tỷ USD vào tháng 6 và lên tới 11 tỷ USD hồi cuối tháng 8. Và ông Maa tin rằng công ty gọi vốn nhanh chóng nhờ vào khả năng đối chiếu dữ liệu người dùng, kết hợp với quy mô phát triển nền tảng tại Indonesia - nền kinh tế phát triển mạnh nhất của Đông Nam Á.
Khu vực Đông Nam Á chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số bởi sự phát triển của điện thoại thông minh và mức thu nhập ngày càng tăng của tầng lớp thượng lưu. Vào 2016, một nghiên cứu của Google-Temasek dự đoán nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á có giá trị 200 tỷ USD vào năm 2025.
Khi phóng viên hỏi về việc liệu Alibaba có đầu tư vào Grab hay không, Maa đáp rằng Grab xác định duy trì sự độc lập với hệ thống sinh thái Trung Quốc. Theo nguồn thông tin từ giới đầu tư, Alibaba thường đòi hỏi các công ty nhận vốn của họ từ chối việc nhận vốn các đối thủ của Alibaba, chẳng hạn như Tencent.
“Việc nhận được đầu tư từ Alibaba rất hấp dẫn. Tuy nhiên, xét về sau cùng đó không phải là lợi ích tốt nhất dành cho khách hàng bởi họ cần sự cạnh tranh mở. Theo quan sát của chúng tôi, một khi bạn bắt đầu nằm trong một hệ sinh thái khép kín, đối tượng chịu tổn thất trong tình huống chính này là khách hàng”, ông giải thích.
Maa nhấn mạnh rằng Grab sẽ đầu tư rất nhiều vào thị trường Indonesia tại thời điểm này. Đây là thị trường trọng tâm của Grab. Trước đó, công ty thông báo họ sẽ đầu tư 250 triệu USD vào các start-up tại Indonesia trong vòng 3 năm tới nhằm tạo ra một hệ sinh thái hậu thuẫn vị thế của họ tại thị trường Đông Nam Á.
Theo ban lãnh đạo của Grab, công ty nắm khoảng 65% thị phần Indonesia dựa trên tổng số chuyến đi và giao dịch trong lĩnh vực xe ôm công nghệ. Họ khẳng định công ty dẫn đầu thị trường xe ôm công nghệ tại Indonesia và sẽ tiếp tục giữ vững ngôi đầu.
Tuệ An
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Nhận xét
Đăng nhận xét